Tìm kiếm
BÍ ẨN ĐẰNG SAU NHỮNG BỨC HỌA KINH DỊ NỔI TIẾNG TRÊN THẾ GIỚI

Mỗi bức họa đều mang trong mình những cái hồn của riêng nó, khơi dậy những cảm xúc và suy nghĩ cùa người ngắm nhìn chúng. Không chỉ đơn thuần là những cảm xúc tốt đẹp, nhiều bức tranh gây nên những hiện tượng bí ẩn không thể lý giải cho người xem. Những câu chuyện rùng rợn kèm theo chúng khiến người ta tin rằng những bức họa này đã bị “ám”.

Dưới đây, ArtLand đã tổng hợp những bức họa kinh dị nổi tiếng trên thế giới, chúng chắc chắn sẽ lý giải được phần nào sự tò mò bên trong nhiều bạn, cũng như yêu thích những câu chuyện đầy ma mị này.

1. The Crying Boy/ Cậu bé khóc

The Crying Boy vốn là một bản in được sản xuất hàng loạt của bức họa cùng tên do họa sĩ người Ý Giovanni Bragolin hoàn thành trong những năm 50, cùng với rất nhiều những bức tranh có cùng chủ đề những cô, cậu bé đang khóc khác.

Giovanni Bragolin, The Crying Boy, 1950s

Các phiên bản bức họa Cậu bé khóc khác

Các phiên bản về The Crying Boy

Bức tranh được công chúng tiếp nhận rộng rãi nhờ một truyền thuyết đô thị được tờ The Sun xuất bản vào năm 1985, có nội dung rằng: Vào năm đó, hàng loạt những vụ cháy bí ẩn liên tiếp xuất hiện tại Anh. Theo lời kể của lính cứu hoả cùng các nạn nhân, trong tất cả các vụ hỏa hoạn, mọi vật dụng trong nhà đều bị thiêu rụi, duy chỉ có các bản sao bức tranh “Cậu bé khóc” vẫn còn nguyên vẹn.

Bức tranh được tìm thấy trong đống đổ nát ngoài văn phòng Radion Norfolk ở Great Yarmouth.

Sau này, người ta dấy lên lời đồn cậu bé  trong tranh là Don Bonillo, mồ côi cha mẹ trong một vụ hỏa hoạn. Không ai muốn nhận nuôi cậu vì họ cho rằng Don là hiện thân của quỷ dữ Diablo, và sẽ thiêu rụi mọi căn nhà mà cậu đặt chân đến. Song, Bruno Amadio không hề tin những điều đó mà nhất quyết đưa cậu bé về nhà, nơi ông vẽ nên bức họa Cậu bé khóc. Một thời gian sau, studio của ông bỗng nhiên phát hỏa. Trong cơn tức giận, vị họa sĩ đã đuổi cậu bé đi mất, để rồi mãi sau này mới hay tin cậu bé năm nào đã mất trong một vụ tai nạn xe hơi.

Dù mang theo cả một giai thoại kỳ lạ, đằng sau bức tranh này vẫn chỉ là một lời đồn đoán không hơn. Theo lời nghệ sĩ hài và tác giả người Anh – Steve Punt, người đã thực hiện một cuộc điều tra xung quanh bức tranh trong chương trình Punt PI của mình, ông cho rằng bức họa đã được phủ một lớp vec-ni làm bằng vật liệu chống cháy, thế nên nó không bị phá hủy bởi nhiệt và khói.

Phóng viên điều tra David Clark cũng khẳng định rằng câu chuyện về cái tên Don Bonillo chỉ xuất hiện vào khoảng sau năm 2000, và theo lời ông “Chắc chắn không có gì là sự thật trong câu chuyện này.”

 

2. The Smiling Spider (Con nhện cười)

Odilon Redon là một họa sĩ người Pháp, nổi tiếng với những bức họa dem đến cho người xem cảm giác “trong mơ” với tông màu pastel nhẹ nhàng cùng những chủ đề lấy cảm hứng từ thiên nhiên nhưng mang âm hưởng trừu tượng rõ rệt. Những tác phẩm của ông được cho là tiền đề cho cả trường phái Trừu tượng và trường phái Dada sau này.

The Smiling Spider là một bức họa tiêu biểu thuộc loạt tác phẩm noirs được vẽ nên trước khi Odilon Redon có bước chuyển mình mạnh mẽ hậu chiến tranh Pháp – Phổ. Từ những tác phẩm in thạch bản than chì với nhiều nét đặc điểm quái dị và kinh hoàng mang tính nghệ thuật châm biếm chính trị, đến những bức họa pastel sơn dầu lấy văn hóa tôn giáo làm tâm điểm.

Odilon Redon, “The Smiling Spider,” 1887

“Màu đen là một gam màu tối quan trọng,” Redon chia sẻ. “Nó truyền tải bản chất của sinh vật bao gồm năng lượng, suy nghĩ, một phần tâm hồn và phản ánh sự nhạy cảm của họ. Chúng ta cần coi trọng gam màu đen. Không gì có thể dung túng nó. Nó không xu nịnh mắt người xem cũng không đánh thức những dục cảm. Nó phản ánh trung thực và tính thực tế hơn tất cả những màu sắc khác.”

3. The Scream (Tiếng thét)

Edvard Munch nổi tiếng với những bức tranh u ám và buồn thảm. Trong khoảng 1893-1910, ông thực hiện một trong những tác phẩm thành công nhất của mình mang tên: Tiếng thét – bộ tranh gồm 4 tác phẩm.

The Scream là một tượng đài của nghệ thuật đương đại. Như cách Leonardo da Vinci đã làm dấy lên lý tưởng của thời Phục hưng về một vẻ đẹp bắt nguồn từ sự trầm mặc và tính tự chủ, Munch đã định nghĩa cách thế hệ chúng ta tự nhìn nhận chính mình – đầy lo âu và ngờ vực.

Edvard Munch, “The Scream,” 1891

Ông tả lại cảnh tượng mà sau này đã trở thành nguồn cảm hứng cho The Scream như sau:

“Tôi đi dọc đường mòn cùng hai người bạn – hoàng hôn đang dần buông – rồi đột nhiên bầu trời chuyển đỏ máu. Tôi ngừng lại, cảm thấy như kiệt quệ, rồi từ từ dựa vào bờ rào. Sắc máu và những ngọn lửa nhuộm lấy màu xanh – đen của vịnh hẹp Fjord và thành phố. Bạn tôi cứ thế bước tiếp, còn tôi đứng đây, run rẩy bởi nỗi lo âu và sợ hãi – và tôi có cảm giác như, có một tiếng thét thất thanh vô tận gào rú vụt qua thiên nhiên.”

4. Saturn Devouring His Son / Saturn ăn thịt con trai

Francisco Goya là một họa sĩ người Tây ban Nha theo đuổi trường phái lãng mạn. Tuy nhiên, ông cũng được nhớ đến bởi những tác phẩm mang đậm chủ đề cách mạng, hay về sau này, là chủ đề về bệnh tật và cái chết.

Giữa năm 1819 và 1823, với tình trạng bệnh ngày một trầm trọng, ông lui về ở ẩn tại một căn nhà nhỏ ngoài ngoại ô Madrid. Khi này, vị họa sĩ bắt đầu thực hiện dự án Black Paintings, bộ sưu tập gồm 14 tác phẩm với chủ đề gây nhiều ám ảnh. U ám cả về nội dung và màu sắc, mỗi tác phẩm đều phản ánh những trở ngại về tuổi tác hay tình trạng sức khỏe đang dần xấu đi của người nghệ sĩ lúc bấy giờ.

 

Francisco Goya, “Saturn Devouring His Son,” 1819-1823

Một trong những tác phẩm đặc sắc nhất trong bộ sưu tập ghê rợn này chính là Saturn Devouring His Son, tác phẩm sơn dầu được vẽ lên ngay chính tường nhà bếp của Goya, khắc họa hình ảnh Saturn đang ăn thịt con mình – một câu chuyện thần thoại La Mã nổi tiếng. Sau khi thần Saturn, người đứng đầu tộc Titan đã lật đổ cha mình là thần Caelus để xưng vương, hắn ta lại lo sợ rằng những đứa con của hắn sẽ lại làm điều tương tự với mình. Để ngăn chặn điều đó, hắn đã giết và ăn thịt ngay khi chúng được sinh ra..

 

5. Krankenhaus

Ken Currie là một họa sĩ người Scotland. Trong những tác phẩm của ông, sự biến dị của cơ thể con người (cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) và nỗi kinh hoàng vô hình của đạo đức luôn được xem là tâm điểm. Cái nhìn u ám của người họa sĩ về những buổi tụ tập bí mật, những nghi thức kỳ bí và những cuộc phẫu thuật ám ảnh vạch trần ra cho người xem thấy tất thảy những bộ mặt ghê sợ của bạo lực.

Lối sáng tác của Ken Currie bị ảnh hưởng rất nhiều bởi trải nghiệm của ông trong hai cuộc Thế Chiến I và Thế chiến II. Là một nhân chứng trực tiếp trước sự bạo tàn của chiến tranh, loạt tác phẩm War Paint được ông cho ra đời.

 

Ken Currie, Krankenhaus

Trong Krankenhaus, Currie khắc họa một khung cảnh đầy thương tật và đọa đày trong một bệnh viện dã chiến giống như Santanu Das đã từng miêu tả “sự kết hợp của một nhà máy công nghiệp, một căn bếp tanh tưởi và một ngôi nhà ma thuật, hấp hối và run rẩy bởi dáng vẻ của con người”

Currie dựng lên một cảnh tượng và gieo vào trong đó muôn vàn những điều phi lý (như người đồ tể xẻo thịt trong phòng phẫu thuật) để khiến khán giả đau đớn nhận ra rằng cơ thể họ bất lực đến mức nào cũng như dễ dàng bị lợi dụng ra sao.

 

6. Các tác phẩm của Francis Bacon

Francis Bacon là một họa sĩ người Anh gốc Ireland, ông nổi tiếng với những tác phẩm mang thiên hướng sáng tác tách biệt khỏi cuộc sống đời thường và đi sâu vào khai thác những cái lập dị thuộc phạm trù nỗi thống khổ, sự cô đơn và hãi hùng của nhân loại.

Ông nổi lên lần đầu tiên với những tác phẩm như Crucifixion (Chết Trên Cây Thập Giá) hay Three Studies for Figures at the Base of a Crucifixion (Ba dáng vẻ con người dưới chân thập tự giá) mang đậm phong cách trần trụi, méo mó và đáng kinh hãi của mình.

Francis Bacon, Crucifixion, 1933
Francis Bacon, Three Studies for Figures at the Base of a Crucifixion, 1944

Study after Velázquez’s Portrait of Pope Innocent X/  Học theo Chân dung Giáo hoàng Innocent X là một phiên bản méo mó của bức họa cổ điển Chân dung Giáo hoàng Innocent X được họa sĩ người Tây Ban Nha Velázquez hoàn thành năm 1659 dưới sự yêu cầu của vị Giáo hoàng đương nhiệm.

Chủ thể chính của bức tranh là vị giáo hoàng với hai tay bấu víu lấy thành tòa giám mục, khuôn miệng mở to như thể đang gào thét. Phủ lấy bức tranh là những đường dọc thẳng đứng, vừa tạo cảm giác cả tác phẩm đang bị nung chảy, vừa giống như những thanh sắt trong tù ngục giam cầm chủ thể bức tranh. Như nhà phê bình hội họa, Arim Zweitei đã nhận xét rằng: “[Vị giáo hoàng trong bức tranh] mang dáng vẻ gian trá, tồn tại trong ngục tối u linh, bị ảnh hưởng bởi cảm xúc bộc phát và không tồn tại bất kỳ quyền hạn nào”.

Francis Bacon, Study after Velázquez’s Portrait of Pope Innocent X, 1953

Nhiều người cho rằng cảm hứng của bức họa bắt nguồn từ chủ nghĩa vô thần cùng với sự phẫn uất khi chịu nhiều áp lực từ cộng đồng Công Giáo khi Francis Bacon hoạt động dưới tư cách là một họa sĩ đồng tính. Cũng vì lẽ đó, bức tranh từng được xem là chống lại Công giáo cũng như là một sự phỉ báng đến Đức Giáo Hoàng, tuy mục đích cũng như ý nghĩa của nó vẫn chưa được giải thích thỏa đáng hay theo lời chính ông: “Họ luôn muốn mọi thứ có nghĩa.”

Nguồn tổng hợp

Xem Nhanh

LỚP VẼ LUYỆN THI KHỐI H -V
Lớp luyện thi Đại học Kiến Trúc - Mỹ Thuật Khối H,V với chương trình được biên soạn và giảng dạy trực tiếp bởi đội ngũ giảng viên Đại học Kiến Trúc
Scroll to Top