Tìm kiếm
CÁC NGUYÊN TẮC CỦA THIẾT KẾ (PHẦN 2)

Trong phần 1, mình đã giới thiệu cho các bạn một số nguyên tắc thiết kế cơ bản như bố cục 1/3, chuyển động theo dòng chảy hay các loại cân bằng… cho đến yếu tố nhịp điệu như một bản giao hưởng. Sau đây, mình sẽ đưa ra một số nguyên tắc còn lại để chúng ta có thể tiếp tục nghiên cứu và hoàn thành tác phầm của mình.

1. Pattern (Họa tiết)

Pattern cũng giống như Rhythm (nhịp điệu) bởi chúng đều dựa trên sự lặp lại của những mảng vật giống nhau. Nếu để ý kỹ, ta có thể thấy họa tiết luôn hiện diện ở quanh ta. Một số những họa sĩ bậc thầy trong việc sử dụng họa tiết là Gustav Klimt và Lina Iris Viktor. Họ luôn có những họa tiết được lặp lại giống nhau trong tác phẩm của mình.

Họa tiết trong đời sống (Nguồn: anothermag)

Dưới bức họa Portrait of Adele Bloch-Bauer I của Gustav Klimt, ta có thể thấy một họa tiết hình con mắt lồng trong tam giác kéo dài khắp chiếc váy. Khắp bức tranh là những mảng tam giác, mảng vuông, những nét tròn uốn lượn và những họa tiết ca rô với nửa hình tròn lặp lại trải dài xuyên suốt.

Nền vàng như các vì sao rực rỡ bổ trợ cho hình ảnh chiếc áo choàng của cô, đâu đó có những hình ảnh nồng nhiệt khêu gợi như tam giác, quả trứng và đôi mắt, chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa họa sĩ và người mẫu.

 

Portrait of Adele Bloch-Bauer I, Gustav Klimt

Tương tự, Lina Iris Viktor sử dụng rất nhiều những đường tròn đồng tâm và các họa tiết zigzag lặp đi lặp lại. Họa tiết được sử dụng để hút mắt người nhìn và giúp tranh mang tính đồng nhất bởi sự lặp lại của chính nó. Tác phẩm mang biểu tượng về những chòm sao trên bầu trời đêm, sự kết nối mạnh mẽ đến những di sản văn hóa bản địa, vẻ đẹp da màu sang trọng với bao la ý niệm triết học trong vũ trụ học, hình học và nguyên tử.

Constellations III, Lina Iris Viktor

2. Scale (Kích cỡ)

Hai quy tắc thiết kế tiếp theo sẽ liên quan đến độ lớn của các vật thể khác nhau trong bức tranh. Scale là khi chúng ta so sánh kích thước của những vật thể trong tranh ảnh với nhau.

Ví dụ như bức họa thung lũng Yosemite của Albert Bierstadt, ta có thể so sánh kích cỡ của đàn nai với sườn núi đá sau nền, từ đó mường tượng ra được sườn núi đá kia to thế nào so với đàn nai và ngược lại.

Ngoài ra, vịt vàng cao su khổng lồ của Florentine Hoffman là một ví dụ cho kích cỡ phóng đại. Ông đã lấy một vật thể với hình ảnh bình thường vốn nhỏ nhắn, rồi phóng đại nó lên gấp nhiều lần để tạo sự tương phản cho khung cảnh xung quanh. Có thể thấy, khi phóng đại kích cỡ của một thứ gì đó lên, người ta dễ dàng dồn sự chú ý vào nó.

Florentine Hoffman

3. Proportion (Tỉ lệ)

Một quy tắc nữa cũng giống như Scale là Proportion (Tỷ lệ). Cả hai quy tắc này đều rất giống nhau. Nếu Scale so sánh những vật thể khác nhau trong cùng một bức tranh toàn cảnh, thì Proportion lại thiên về tỉ lệ hay những phần khác nhau của một bức tranh hơn. Cũng giống như những phân số toán học như  ⅓ hay 1:2, có thể hình dung Proportion giống như khi ta so sánh tỉ lệ của một phần khuôn mặt (như từ cằm tới mũi) với một phần khác của khuôn mặt (như từ mũi tới đường chân mày).

Như trong bức vẽ này của Leonardo da Vinci, ông đã chia gương mặt người ra thành nhiều phần nhỏ hơn để so sánh tỉ lệ giữa chúng và khuôn mặt nói chung, từ đó tìm ra vị trí của ngũ quan.

Nguồn: Historia Arte

Những tỉ lệ cơ thể cũng đã được phóng đại trong tác phẩm điêu khắc của Gerardo Feldstein, ông đã phóng to kích cỡ của bàn chân và khiến chúng trở nên khổng lồ so với phần còn lại của cơ thể. Và vì bàn chân cũng là một phần của cơ thể, nên có thể thấy rõ rằng ông đã áp dụng quy tắc tỷ lệ vào tác phẩm của mình. Các tác phẩm khác của ông cũng vậy, chúng nằm ngoài phạm vi tiêu chuẩn trong nghệ thuật, hình ảnh phóng đại mang ý nghĩa thông thường cũng như sự kinh ngạc trong việc chia sẻ hành trình cuộc sống của con người.

First step, Gerardo Feldstein

4. Emphasis (Nhấn mạnh)

Emphasis giống như khi ta nhấn mạnh một từ trong câu. Trong hội họa và thiết kế, ta làm nổi bật chủ thể chính trong bức tranh bằng cách tăng độ lớn hơn hay thêm nhiều chi tiết hơn.

Tất cả những thứ lộn xộn xảy ra trong tranh của Ben Grasso, các bạn sẽ nhìn vào thứ gì trước tiên?
Chính xác là chủ thể chính. Và ở đây, yếu tố đang được nhấn mạnh chính là ánh sáng từ vụ nổ tàn khốc đang xảy ra ở giữa căn nhà này.

One View, Ben Grasso

Hoặc với tác phẩm của Rene Magritte. Khi tách cái đầu của người này ra khỏi cơ thể và biến nó thành một khối cầu màu cam, ông rõ ràng là đang nhấn mạnh mảng hình cầu to lớn này thông qua kích cỡ, màu sắc, cũng như ý nghĩa kỳ bí của nó.

Cái đầu ở đó trông như nó từ một vở kịch hoàn tất, nhiều sự không cân đối, tông màu sáng đối lập đi cùng khuôn mặt nhỏ vô song, biểu cảm ẩn giấu những bí mật trong xã hội đầy rẫy những quy chuẩn cũng như trái cấm. Hoặc nghĩ đơn giản hơn, nó trông như hình tượng mặt trời trong các quyển sách dành thiếu nhi.

 

The Art of Living, Rene Magritte

5. Contrast (Tương phản)

Khi nói đến những vật thể bị đặt ra khỏi ngữ cảnh hay không ăn khớp với bối cảnh xung quanh, ta nhắc tới quy tắc Contrast (Tương phản). Với quy tắc này, điểm mấu chốt là sự khác biệt. Nhiều loại tương phản khác nhau như tương phản màu sắc hay đường nét, hay có thể là hình dạng của mảng miếng,… Nhưng ở đây chúng ta sẽ nói về tương phản sắc độ, vì đây là loại tương phản có nhiều điều cần nói nhất.

Nguồn: skylum

Trong hội họa, sắc độ là từ dùng để chỉ độ sáng tối của một vật thể, vậy thì tương phản sắc độ là loại tương phản được hình thành khi ta đặt hai chủ thể có độ sáng tối khác biệt ở một mức độ nhất định gần nhau. Có hai loại tương phản sắc độ cần được nói đến: Tương phản mạnhtương phản yếu.

Nguồn: jimcorwin

Trong một bức tranh/ ảnh có độ tương phản mạnh, sự cách biệt rất lớn giữa sắc độ tối nhất và sắc độ sáng nhất, ranh giới sáng tối thường trông sẽ cứng hơn. Ví dụ, trắng và đen là hai sắc độ đối lập nhau. Thế nên, ta thấy mọi thứ cứng nhắc và rõ ràng, và đó là một bức tranh có độ tương phản cao.

Ngược lại, khi giữa sắc độ sáng nhất và sắc độ tối nhất không có nhiều khác biệt, ranh giới sáng tối và những đường nét trông sẽ mềm đi. Khi đó, bức tranh sẽ trở nên hài hòa và dịu với mắt người xem hơn.

Xem thêm: TẦM QUAN TRỌNG CỦA SẮC ĐỘ TRONG HỘI HỌA

Dưới đây là ví dụ điển hình cho một bức ảnh có độ tương phản cao. Một bức ảnh cận cảnh trong đồng tử con người. Ta thấy được phần tối nhất là một màu đen kịt, bên cạnh là phần sáng nhất chính là những khu vực sáng lóa. Khi đặt những mảng màu cực tối và cực sáng này lại với nhau, hình ảnh trong mắt sẽ trở nên mạnh mẽ hơn vì những sắc độ ấy rất khác biệt, tạo nên độ tương phản cao.

Kế tiếp, khi nhìn vào bức tranh của Yan Toorop, các sắc độ được sử dụng đều cùng nằm ở một mức màu xám gần với nhau hơn, thế nên độ tương phản cũng trở nên thấp hơn. Bức họa được treo để quảng bá cho một trung tâm phục hồi dành cho người nghèo.

Het Hooge Land, Jan Toorop
*** Juxtaposition (Tương phản liền kề)

Tiếp đến, loại tương phản cuối cùng cũng như quy tắc cuối trong thiết kế là quy tắc Juxtaposition (Tương phản liền kề). Nói nôm na, Juxtaposition là sự kết hợp giữa hai hay nhiều vật thể có tính chất khác nhau vào một bức tranh để tạo nên cảm giác tương phản. Nếu được sử dụng tốt, quy tắc này có thể khiến bức tranh trở nên hài hước, hoặc gây bất ngờ. Thường thì, Juxtaposition dễ thu hút ánh nhìn của người xem bởi sự khác biệt của những chủ thể được đặt cùng nhau trong một bức tranh.

John Stezaker (Nguồn: modernitycollective)

Tòa nhà do Kiến trúc sư Michael Lee-Chin Crystal thiết kế cho ta thấy được sự tương phản giữa hai lối kiến trúc cũ và mới, cũng như sự tương phản giữa vật liệu mà chúng được cấu thành. Juxtaposition được tạo nên khi ta đặt hai thứ đối lập nhau rõ rệt ở nhiều mặt trong cùng một hoàn cảnh. Ở bên đây, một tòa nhà đá cổ kính nghiêm trang, trong khi bên kia là một tòa nhà sáng bóng rất hiện đại, với vật liệu chính là kim loại và kính.

Michael Lee-Chin Crystal

Vậy thì, tổng kết lại, trên đây là những quy tắc thiết kế quan trọng trong mỹ thuật. Hy vọng các bạn đã học được thêm nhiều kiến thức bổ ích để tham khảo về những tác phẩm trên thế giới, cũng như hiểu được các nguyên tắc cơ bản để có thể áp dụng vào tác phẩm của mình sau này nhé.

Xem Nhanh

Scroll to Top