Tìm kiếm
NHỮNG HIỂU LẦM VỀ NGÀNH THIẾT KẾ ĐỒ HỌA CẦN PHẢI ĐÍNH CHÍNH!

Ngành Thiết kế đồ hoạ hiện nay quả thực được xem là một trong những ngành nghề cực hot khi số lượng người theo học và theo làm đang ngày một tăng nhanh. Phải nói rằng đây là một ngành sáng tạo rất thú vị và có vị thế trong xã hội, song không nên nhìn vào bề nổi mà đánh giá vội vàng hay quyết định lựa chọn bừa bãi mà không có sự tìm hiểu kỹ lưỡng và toàn diện về ngành này. Thực tế cho thấy có rất nhiều người vẫn mang những suy nghĩ lầm lạc về Thiết kế đồ hoạ để rồi phải vỡ mộng khi theo đuổi, vậy thực hư về những hiểu lầm đó như thế nào, hãy cùng chúng tôi giải đáp nhé!

 

1. Làm thiết kế đồ họa không cần học đại học

Hiện nay, để chạy theo xu thế, các trung tâm đào tạo nghề Thiết kế đồ họa ngắn hạn từ 6 tháng đến 1 năm mở ra ngày càng nhiều nên khiến một số người cho rằng lĩnh vực này không nhất thiết phải theo học hệ Cử nhân trong 4-5 năm. Hình thức học nghề đúng là giúp bạn tiết kiệm thời gian lẫn tiền bạc trước mắt nhưng con đường Cử nhân cũng đem lại cho bạn vô vàn lợi ích khác xứng đáng để cân nhắc. Hãy thử đặt lên bàn cân so sánh hai hình thức học này nhé:

Đối với các chương trình nghề vốn có thời lượng ngắn nên nội dung đào tạo chắc chắn sẽ không sâu sát từ cơ bản đến nâng cao mà chỉ tập trung vào mục tiêu học viên sau khi tốt nghiệp phải làm được việc ngay. Nhưng thực tế cho thấy, nếu muốn đi đường dài trong bất kỳ nghề gì thì bạn đều phải có kiến thức nền vững chắc được tích góp qua nhiều năm học tập. Vậy nên để tránh việc tụt hậu sau khi tốt nghiệp trường nghề thì bạn vẫn phải tiếp tục tự trau dồi kiến thức nhưng lúc này sẽ không có người nào trực tiếp hướng dẫn.

Ngược lại, chương trình Cử nhân Thiết kế đồ họa sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ các kiến thức đại cương, trong đó quan trọng nhất là rèn luyện và bổ sung cho bạn tư duy thẩm mỹ đúng đắn mà các chương trình học ngắn hạn khó có thể truyền đạt được. Với những kiến thức cơ bản lẫn nâng cao ở chương trình Cử nhân, bạn sẽ tự biết cách học thêm một cách bài bản để bổ trợ cho nghề về lâu về dài.

Ngoài ra, tính tự giác và chăm chỉ nghiên cứu học hỏi thật sự rất quan trong, dù học đại học hay trung tâm đào tạo nghề. Thiết kế đồ họa là một ngành đào thải nhanh, nên việc nắm bắt và bắt kịp xu hướng đang thịnh hành để có những thiết kế bức phá và hiện đại.

Chốt lại, mặc dù “đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công” và nhận định “muốn làm thiết kế đồ họa không cần học đại học” vẫn có phần đúng nhưng cần thêm một vế quan trọng là “tuy nhiên để tiến xa hơn với nghề thì lựa chọn học Cử nhân sẽ sáng suốt hơn”.

 

2. Làm thiết kế đồ họa cần phải biết vẽ đẹp

Vị trí của một nhà thiết kế đồ họa thường xuyên làm việc với hình ảnh nên thường bị hiểu nhầm là phải vẽ đẹp thì mới có thể thành công trong nghề. Thực ra thì vẽ tay không phải là yếu tố bắt buộc của lĩnh vực thiết kế đồ họa mặc dù đó là một lợi thế không phải bàn cãi. Đến đây, ta cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa một người hoạ sĩ và một nhà thiết kế đồ hoạ. Nếu công việc đề cao kỹ năng vẽ tay, tư duy mỹ thuật hội hoạ là của họa sĩ thì với vị trí thiết kế đồ họa, trách nhiệm chính vẫn là biết cách lựa chọn, sắp xếp và trình bày các yếu tố thị giác như hình ảnh, chữ nghĩa và màu sắc để thể hiện đúng thông tin muốn truyền tải trong ấn phẩm của mình. Người làm thiết kế đồ họa chủ yếu cần biết cách sử dụng công cụ máy tính để thể hiện các ý tưởng chứ không bắt buộc phải biết dùng cọ một cách điêu luyện, làm chủ các kỹ thuật tô màu trên mọi loại giấy hay sở hữu nét vẽ riêng biệt như họa sĩ.

Do đó, nếu một người làm thiết kế đồ hoạ vẽ chưa tốt hoặc thậm chí không biết vẽ thì điều đó cũng không thành vấn đề, vì nếu cần một bức tranh chất lượng thì họ hoàn toàn có thể chủ động hợp tác với một họa sĩ khác thì sẽ tốt hơn.

Tóm lại, kỹ năng vẽ tay sẽ rất tốt cho công việc thiết kế đồ họa nhưng không là yếu tố then chốt. Việc bạn biết chọn tranh hay họa sĩ nào phù hợp cho sản phẩm hình ảnh mình đang làm mới thực sự quan trọng với cương vị của thiết kế đồ họa.

 

3. Thiết kế chỉ cần biết sử dụng công cụ, phần mềm là được!

Nhiều người cho rằng để có thể theo được thiết kế đồ họa thì chỉ cần thành thạo các phần mềm ứng dụng như Photoshop hay Illustrator là đủ. Tuy nhiên nếu chỉ chăm chút vào kỹ năng phần mềm thì dù có biết sử dụng nhiều và điêu luyện mà không tự sáng tạo các ý tưởng thì bạn chỉ như một người thợ làm theo khuôn mẫu sẵn có. Điều quan trọng nhất đối với thiết kế đồ họa không chỉ là biết cách sử dụng các phần mềm mà còn phải tập trung vào phát triển ý tưởng, đưa ra giải pháp hiệu quả nhất cho ý tưởng đó.

Chính vì vậy người làm thiết kế cần am hiểu kiến thức xã hội, nhạy cảm với các xu thế mới và phải hiểu được tâm lý khách hàng muốn gì để có cho mình những ý tưởng, ứng dụng những ý tưởng này vào nhu cầu thực tế theo yêu cầu của khách hàng.

 

4. Làm thiết kế đồ họa lúc nào lương cũng cao

Thực tế thì làm nghề nào cũng vậy, thu nhập của bạn sẽ đo bằng năng lực thực tài chứ không phải cứ làm thiết kế đồ họa là lương tháng ngàn đô rót vào tài khoản. Nhìn chung thì bạn không nên quá đặt nặng vấn đề lương bổng để chọn ngành học vì mức thu nhập cụ thể sẽ phụ thuộc vào năng lực và khả năng lao động của mỗi người.

Thay vào đó, bạn chỉ nên chọn ngành Thiết kế đồ họa vì thích làm việc với hình ảnh và có khát khao sáng tạo thì sẽ hợp lý hơn. Niềm đam mê này sẽ góp phần giúp bạn có động lực vượt qua các khó khăn trong giai đoạn đầu mới lập nghiệp như thu nhập hạn chế, tốc độ thăng tiến chậm hay nguồn khách hàng chưa ổn định.

Năng lực của một nhà thiết kế đồ họa được đánh giá dựa vào sản phẩm từng làm nên nếu bạn cố gắng chăm chút cho từng sản phẩm của mình ngay từ khi đi học thì khả năng nhận được công việc với thu nhập tốt sẽ cao hơn. Ngoài năng lực chuyên môn thì bạn nên chú tâm trau dồi khả năng thương thảo về giá để bảo vệ quyền lợi cho công sức của mình. Xét trên cùng một sản phẩm, người biết cách báo giá sẽ chốt được một mức thù lao hậu hĩnh, còn ai thiếu kinh nghiệm sẽ chỉ nhận được khoản chi phí chưa xứng tầm.

Thiết kế đồ họa vốn đã khó nhưng để bán được sản phẩm của mình với mức giá tốt sẽ càng nan giải hơn. Vậy nên bạn cứ chuẩn bị tinh thần đối diện với sự thật không mấy dễ chịu là lương bổng của vị trí thiết kế đồ họa có thể sẽ không cao như mình kỳ vọng.

 


5. Thiết kế đồ họa là công việc nhàn hạ

Dạo quanh một vòng Google, bạn có thể dễ dàng tìm được danh sách những logo và bộ nhận diện thương hiệu có giá trị tính bằng đơn vị triệu đô (USD) mà các nhãn hàng sẵn sàng chi trả cho bộ phận thiết kế. Hầu hết các logo đắt đỏ đều có họa tiết và đường nét đơn giản nên nếu bạn thầm nghĩ công việc thiết kế đồ họa làm ít nhưng thu nhập khủng thì thật sự nhầm to. Nhà thiết kế đồ họa dù có được trả lương cao bao nhiêu thì vẫn không bao giờ là vị trí nhàn hạ, nhất là với những hợp đồng có trị giá triệu đô.

Để cho ra được sản phẩm cuối cùng như bạn thấy, người làm thiết kế đồ họa phải vắt óc sáng tạo ra rất nhiều phương án để khách hàng lựa chọn và cân nhắc. Mức lương càng cao thì đòi hỏi của khách hàng càng lớn nên có thể bạn sẽ phải chịu khó sửa đi sửa lại nhiều hơn. Việc thuyết phục khách hàng đồng thuận với các mẫu thiết kế của mình là một thử thách không nhỏ trong nghề. Nếu vào nghề lâu năm, bạn có thể sẽ sở hữu nhiều kinh nghiệm để làm cho khách hàng nhanh chóng phê duyệt từ những lựa chọn ban đầu để tiết kiệm thời gian và công sức cho đôi bên.

Đó là chưa kể nhà thiết kế đồ họa nào cũng đều có trách nhiệm bàn giao sản phẩm đúng thời hạn nên áp lực về thời gian không hề nhỏ. Chắc hẳn ai làm trong nghề cũng đều phải hãi hùng khi nghe đến từ “DEADLINE”. Do đó, nếu bạn hy vọng có công việc nhàn nhã thì thiết kế đồ họa chắc chắn không phải là lựa chọn lý tưởng.

6. Người thiết kế đồ họa phải nghệ sĩ, phải lãng tử

Đã có nhiều quan điểm cho rằng dân thiết kế đồ họa phải có một “giao diện” khác biệt so với dân thường. Thể hiện bằng việc có gu ăn mặc độc lạ, đeo xỏ khuyên, có hình xăm, tóc dài,… Nói tóm lại là phải toát lên chất lãng tử, nghệ sĩ đầy mình.

Tuy nhiên, thực tế thì không hẳn như vậy, họ cũng giống như bao người làm những công việc khác nhau vậy. Do tính chất công việc, có không ít người đeo kính như mọt sách vì mắt liên tục tiếp xúc với màn hình với máy tính, điện thoại quá nhiều hay thậm chí còn làm bạn với cafe để đầu óc được tỉnh táo hơn… Có thể bạn thấy những vẻ hào nhoáng bên ngoài của họ nhưng chưa chắc đấy đã chứng tỏ đó là dân thiết kế thực thụ. Bởi phong cách mỗi người mỗi khác, không nên “trông mặt mà bắt hình dong”, không phải cứ làm trong ngành nghệ thuật phải tỏ ra “ngầu lòi, lãng tử, quái dị”.

Mặc dù vẻ ngoài sẽ gây ấn tượng và thể hiện phần nào đó con người, nhưng tốt hơn hết là hãy nhìn họ ở cái “chất” bên trong, nói cách khác hãy thực sự giao tiếp và làm việc với họ, đó mới chính là điều quan trọng để đánh giá một người có phải là nhà thiết kế đồ hoạ hay không.

 

Trên đây là một số chia sẻ và giải đáp những hiểu lầm về ngành thiết kế đồ họamà chúng tôi muốn gửi đến cho bạn. Mong rằng bài viết đã cung cấp thêm cho bạn những kiến thức hữu ích và giúp bạn có thể tự tin nắm bắt và lựa chọn ngành nghề phù hợp với niềm yêu thích và khả năng của bản thân.

Xem Nhanh

LỚP VẼ LUYỆN THI KHỐI H -V
Lớp luyện thi Đại học Kiến Trúc - Mỹ Thuật Khối H,V với chương trình được biên soạn và giảng dạy trực tiếp bởi đội ngũ giảng viên Đại học Kiến Trúc
Scroll to Top