Tìm kiếm
CÁCH VẼ NGƯỜI TRONG PHỐI CẢNH

Trong bài học này chúng ta chỉ học về cách vẽ người trong phối cảnh bằng những bước phác thảo và dựng hình đơn giản nhất, để bạn có thể áp dụng phương pháp này vào bất cứ dáng người nào kể cả đứng hay ngồi, ở trên cao hay dưới thấp hơn trong cùng một khung ảnh…vào trong phối cảnh. Chúng ta cùng bắt đầu thôi!

1. Đường chân trời nằm ngang tầm mắt

Để bắt đầu với phối cảnh, chúng ta cần vẽ các đường lưới mà các điểm tụ cùng tụ về hai điểm nằm trên một đường chân trời và đường chân trời nằm giữa trang giấy, sau đó thêm những đường dọc để hoàn thiện lưới phối cảnh:

 

Việc này có thể rất mất thời gian, nhưng nó sẽ giúp bạn đáng kể trong việc dựng hình nhân vật.

Tiếp theo, bạn chỉ cần gôm nhẹ những nét phác đó. Hãy đảm bảo rằng sau khi tẩy đi những đường phác, nét vẽ sẽ nhạt hơn, nhưng vẫn có thể nhìn thấy.

Đánh dấu tỉ lệ của cơ thể dựa vào những đường thẳng phối cảnh đã dựng trước đó, bao gồm đầu, ngực phần hông (hay xương chậu) đùi, cẳng chân… Như vậy, sau khi ta xác định được các phần của cơ thể, các đường thẳng trên cơ thể sẽ tự hướng về hai điểm tụ trước đó.

Sau đó, dựa vào kiến thức cơ bản về tỉ lệ con người, hãy phác sơ dáng người, bắt đầu từ lồng ngực đi xuống xương chậu, cánh tay, cẳng tay, chân và đầu.

Lưu ý: khi vẽ tay còn lại, chúng ta phải đảm bảo cùi chỏ, cổ tay,… nằm trên 1 đường thẳng và cùng hướng về điểm tụ…

Tương tự với hai chân, sau khi đánh dấu đúng theo tỉ lệ con người dựa vào những đường phối cảnh, ta được đôi chân theo đúng tỉ lệ và đúng phối cảnh như trên. Nên xoay hướng bàn chân sao cho khi kéo dài chiều của chúng thì hai đường thẳng tụ về một điểm vẫn nằm trên một đường phối cảnh.

ví dụ như hình dưới đây

Như vậy, dáng người đơn giản đã được dựng, chỉ dựa vào những tỉ lệ và kiến thức cơ bản về giải phẫu học con người dù nhân vật hơi máy móc một xíu.

Bây giờ khi đã có một dáng người trong khung hình, bạn muốn vẽ thêm một dáng người khác, nhưng không thực sự dựa vào các đường phối cảnh cho trước, thì ta làm sao?

Để hình người tiếp theo có cùng kích thước với người đã có sẵn, ta sẽ kéo dài các đường thẳng đánh dấu tỉ lệ của hình vẽ trước đó với những đường gióng về phía ngược lại điểm tụ bên kia, cũng bao gồm các đường tỉ lệ của đầu, ngực, hông, chân, tay… (như hình dưới).

Thế là ta có thể dễ dàng dựng được một nhân vật khác ở một vị trí chỉ sâu hơn một chút và không thực sự theo phối cảnh.

Một điều cần lưu ý nữa, khi bạn muốn vẽ một dáng người ở một vị trí xa hơn, sâu hơn trong không gian mà vẫn giữ được chiều cao ngang với người trước đó, bạn cần kéo dài các đường tỉ lệ người trước đó ra xa tới vị trí mong muốn, dùng đường thẳng để giới hạn các đường tại cùng một góc độ .

Sau khi cho các đường tỉ lệ kéo dài cắt với đường thẳng giới hạn, ta được các điểm tỉ lệ cơ bản bằng với đúng tỉ lệ của người ở gần hơn, kéo dài các đường thẳng phối cảnh đi qua các điểm đó đến vị trí đặt nhân vật mong muốn và vẽ tương tự như trước đó cách ta vẽ người ở gần hơn.

Một cách khác nữa để bạn có thể dựng được một dáng người dựa trên những hình có sẵn, như ví dụ trên, ta có thể thấy được vị trí của khung xương chậu của mỗi dáng người đều nằm ở trên đường chân trời, dù ở xa hay gần.

Tương tự như thế, khi bạn muốn vẽ một người khác dựa vào vị trí của xương chậu của các hình trước đó, ta chỉ cần đặt một chiếc khung xương chậu mới vào vị trí muốn vẽ và vẫn đảm bảo được nó nằm trên đường chân trời (như hình dưới).

 

Từ đó, triển khai các bộ phận còn lại theo tỉ lệ cơ bản, tất nhiên vẫn theo các đường phối cảnh để đảm bảo phối cảnh trong không gian, cách này đơn giản cực kỳ nếu bạn vẫn lúng túng trong việc xác định các đường gióng.

2. Đường chân trời nằm cao hoặc thấp hơn tầm mắt

Ở trường hợp này, đường chân trời ở trên tầm mắt (có thể trên mép giấy hoặc thậm chí ra khỏi mép giấy).

(như hình này, đường chân trời được lấy ở mép giấy trên, vẫn nằm trong tờ giấy để các bạn dễ hình dung)

Ta sẽ cùng tìm hiểu cách vẽ dáng người dễ dàng trong trường hợp này, chỉ là khó hơn một chút so với trường hợp trước khi đường chân trời ngang tầm mắt. Tất nhiên bạn vẫn sử dụng một số thủ thuật chúng ta làm trong ví dụ trước, đó là kẻ hệ lưới phối cảnh gồm những đường chéo cắt nhau và hội tụ về hai điểm tụ trên đường chân trời, những đường dọc cắt xuống, và tẩy nhẹ chúng đi khi ta hoàn thành hệ lưới ấy.

Chúng ta cùng bắt đầu với một dáng người, với các đường tỉ lệ hướng theo đúng những đường phối cảnh của lưới (như dưới đây).

Và khi có sẵn được dáng người rồi, ta có thể sử dụng để làm mẫu cho các dáng người khác trong không gian.

Để vẽ dáng người khác ở vị trí khác, ta kéo dài các đường tỉ lệ của hình có sẵn theo đúng phương của hệ lưới, kẻ một đường dọc xuống cắt các đường tỉ lệ này để xác định chiều cao của nhân vật nếu được đặt ở vị trí khác, từ chiều cao đó kẻ những đường kéo dài theo hướng ngược lại và đặt vị trí hình theo đúng giới hạn đó (như hình dưới).

Từ đó, ta chỉ cần vẽ người trong đúng giới hạn đó, tất nhiên vẫn sử dụng những tỉ lệ cơ bản của con người và dựa theo đường phối cảnh đã kẻ trước đó.

Tương tự với cách ấy, chúng ta có thể vẽ thêm nhiều người khác ở xa hơn hay gần hơn chỉ dựa vào một dáng người có sẵn.


3. Các dáng người không cùng độ cao

Hãy cùng phức tạp hoá việc này lên một chút nhé!

Ví dụ lần này sẽ có một đường tầm mắt nằm giữa trang giấy và hai điểm tụ nằm về hai bên mép giấy như ví dụ đầu tiên, tuy nhiên các dáng người sẽ không được đặt ở cùng 1 độ cao như trước đó, chúng ta sẽ giả sử các dáng người đang đứng trên những khối hộp có độ cao khác nhau để dễ hình dung hơn.

Tất cả những hình khối trong hình trên có kích thước, chiều cao và hình dạng đều khác nhau, tuy nhiên vẫn phải chắc chắn chúng nằm đúng trong phối cảnh.

Đầu tiên, vẽ một người trên mặt phẳng thường (mặt đất), ta có thể vẽ hình với kích cỡ to nhỏ tuỳ ý. Tuy nhiên, hãy tưởng tượng chiếc hộp ở ngoài cùng bên trái là một chiếc xe hơi, hãy dựa vào đó để xây dựng tỷ lệ người hợp lý với chiếc xe.

Vậy nếu ta muốn đặt một người trên khối hộp đó thì sao? Hãy sử dụng những đường gióng đơn giản như ta đã làm ở hai ví dụ trên để đưa nhân vật vào vị trí mong muốn. Sau đó, từ kích thước vừa xác định được, ta dịch chuyển nó lên đúng với độ cao mong muốn, bằng cách đưa điểm cuối lên trên cao hơn và vẫn giữ đúng kích cỡ của người.

Như hình bên, kích thước mới sau khi có được nhờ các đường gióng đã được đẩy lên cao đúng với kích thước ban đầu nhưng vị trí đặt chân đã nằm trên chiếc hộp thay vì ở dưới đất.

Từ đó, ta tiếp tục dựng một dáng người mới theo đúng phối cảnh, và vẫn đảm bảo rằng chúng có một độ cao như nhau nếu không nằm trong không gian.

Cách làm tương tự với những nhân vật khác ở vị trí khác (tương tự hình dưới).

Vậy nếu như muốn đặt một nhân vật ở con dốc thì sao?

Ta sẽ dựa vào một điểm phối cảnh khác đã được sử dụng để vẽ con dốc ấy, kéo dài các đường kích thước của người ta vừa vẽ ở chân dốc sao cho các đường ấy tụ về phía điểm phối cảnh kia.

(điểm phối cảnh khác ở gốc giấy, nơi hội tụ của các đường tạo nên con dốc)
(nối các đường thể hiện kích thước của người ở chân dốc tới điểm phối cảnh đó để tạo kích thước cho người đang lên dốc)
(và đặt người vào đúng trong giới hạn kích thước đó)


4. Dáng người đứng và ngồi trong không gian

Trong ví dụ cuối cùng, ta cùng tìm hiểu xem những gì đã áp dụng trong những ví dụ trên có hiệu quả với những dáng người khác hay không nhé? Hãy cùng xây dựng một hệ lưới mới, và ta bắt đầu tìm hiểu dáng ngồi có thực sự trong phối cảnh không qua những bước đã tìm hiểu ở trên.

Chúng ta nên bắt đầu với một người đang đứng trước, sau đó xác định chiều cao của người đang ngồi dựa trên dáng người đứng ấy, thường độ cao sẽ nằm ngay phần hông trở xuống nếu ngồi dưới đất.

Tương tự như ở xa hơn, để dễ so sánh ta cũng vẽ một dáng người đứng và một người ngồi dựa trên dáng đứng đó

Ta có thể vẽ một người thấp hơn ở cũng một toạ độ dựa vào dáng đứng có sẵn đó, cách làm cũng như những ví dụ trước. Nhưng sau khi đã xác định độ cao của người xong thì ta sẽ hạ thấp nó bằng việc đẩy điểm đầu xuống, và dáng người sẽ trông như trẻ con nếu bạn có ý định đưa trẻ em vào viễn cảnh của mình (tất nhiên hai người phải ở cùng một góc độ, một độ sâu nhất định nếu bạn không muốn dáng trẻ em của mình trông như dáng người lớn ở đằng xa do phối cảnh).


5. Áp dụng vào cảnh vật

Bạn đã nắm được cách vẽ người trong phối cảnh chưa? Nếu rồi hãy cùng áp dụng nó vào những bối cảnh phong cảnh thật để thực hành những gì mình đã học được.

Dưới đây là bản vẽ một góc phong cảnh trong thành phố, giờ hãy thử đặt các nhân vật vào để toàn cảnh trông sống động hơn nhé (trong hình đường chân trời đã nằm ngoài mép giấy).

Đầu tiên, đặt một nhân vật vào trước để làm “mẫu” cho những nhân vật khác. Ta có toà nhà làm kích thước chuẩn, hãy dựa vào đó để xây dựng dáng người (hình dáng thấp hơn cửa vào).

Từ đó, khai triển ra những dáng người khác với những tư thế, hành động khác nhau để tạo sự sinh động của bức tranh.

Trong quá trình vẽ, nếu các đường gióng qua khỏi giới hạn của bức tranh, bạn có thể kéo dài nó ra ngoài khung tranh nếu cần, để đảm bảo độ chính xác về kích thước của người.

Bạn có thể thêm số lượng người tuỳ thích (hình dưới là một ví dụ cho các vị trí và hoạt động của con người mà bạn có thể đưa vào tranh).


6. Kết luận

Việc vẽ dáng người không khó, thậm chí là trong phối cảnh nếu bạn đã thuần thục được nó, vì vậy hãy luyện tập và chăm chỉ hơn để có được những bức tranh mong muốn nhé!! Chúc các bạn thành công!

Nguồn: David Flinch

Xem Nhanh

LỚP VẼ LUYỆN THI KHỐI H -V
Lớp luyện thi Đại học Kiến Trúc - Mỹ Thuật Khối H,V với chương trình được biên soạn và giảng dạy trực tiếp bởi đội ngũ giảng viên Đại học Kiến Trúc
Scroll to Top