Tìm kiếm
SƠ LƯỢC VỀ CÁCH SẮP XẾP BỐ CỤC TRONG TRANG TRÍ – MỸ THUẬT

Bố cục không khó như bạn nghĩ. Với những kiến thức sau đây sẽ giúp bạn thành thạo kỹ năng và môn học này một cách dễ dàng nhất. 

Sơ lược về cách sắp xếp Bố Cục Trong Trang Trí

Việc sắp xếp bố cục trong trang trí qua một bài thi vẽ trang trí màu là một trong những vấn đề cần được chú ý và nhận được sự quan tâm của nhiều em thí sinh. Vậy làm thế nào để có được bố cục trang trí hợp lý?

Để có thể phân được bố cục các mảng trang trí một cách hợp lý thì việc đầu tiền là bạn phải hiểu được bố cục trang trí là gì? Đó chính là sự sắp xếp các yếu tố trang trí như hình mảng, đường nét, đậm nhạt, màu sắc theo những qui tắc của trang trí, phù hợp với từng thể loại trang trí khác nhau.

Tầm quan trọng của bố cục trong trang trí

Như chúng ta đã biết, bố cục chiếm 1 vị trí quan trọng quyết định đến sự thành công của một bài trang trí.
Vậy nói một cách chính xác, bố cục là gì? Hiểu một cách đơn giản, bố cục là một phần của thiết kế mà trong đó. Tất cả các yếu tố riêng biệt được kết hợp với nhau để tạo thành một tổng thể có sự gắn kết chặt chẽ.

Bố cục giống như khung xương sống của một thiết kế. Dựa theo khung xương sống ấy, các thông tin sẽ được triển khai một cách thu hút, logic và khoa học hoặc sẽ bị rối, hời hợt và không hiệu quả. Một thiết kế đẹp trước hết phải là một thiết kế có bố cục hoàn mĩ. Những quy luật về bố cục sẽ là chìa khóa giúp các bạn chinh phục ngưỡng cửa đầu tiên của một thiết kế thành công.

Nguyên tắc sắp xếp bố cục trong trang trí

1. Nguyên tắc tương phản:

Nguyên tắc tương phản trong sắp xếp bố cục
Nguyên tắc tương phản trong sắp xếp bố cục

Đây là một trong những nguyên tắc được áp dụng khá nhiều vào các bài trang trí màu, các sản phẩm trang trí… nhằm làm nổi bật lên điểm cần chú ý trong một bố cục trang trí. Bạn cũng có thể hiểu đây chính là việc sử dụng sự đối lập giữa các thành phần như màu sắc, đậm, nhạt, đường nét… Để tôn vinh những điểm cần thiết cho vật trang trí.

Ví dụ như:

  • Về hình mảng: Muốn rõ mảng to phải có mảng nhỏ để so sánh thấy được tương quan.
  • Về đậm nhạt: Muốn làm nổi mảng sáng phải có mảng tối.
  • Về đường nét: Để thay đổi sự đơn điệu của nhiều đường nét cong cần có nét xiên, nét gấp khúc.
  • Về hình thể: Bên cạnh mảng vuông cần có mảng tròn, mảng tam giác, quả trám, các mảng đa giác khác…
  • Về màu sắc: Để làm nổi phần nào, ý nào dùng tương phản về nóng lạnh của màu. Hoặc tương phản về sắc độ của nhau.

 2. Nguyên tắc cân đối:

Nguyên tắc cân đối trong bố cục
Nguyên tắc cân đối trong sắp xếp bố cục

Đây là nguyên tắc cơ bản trong trang trí mà bất kỳ ai muốn thành công trong nghề trang trí, vẽ tranh, thiết kế … điều phải nắm. Nguyên tắc này chính là sự sắp xếp hài hòa, hợp lý giữa các mảng với tổng thể. Không có mảng quá to phá vỡ khung hình định trang trí. Hoặc quá nhỏ làm bố cục bị lỏng lẻo, vụn vặt. Sự cân đối có nghĩa là các mảng, các họa tiết, các độ đậm nhạt và màu sắc phải được bố trí cân bằng, làm cho mắt người xem được dẫn đi hết diện tích được trang trí không có sự bố trí bị lệch hoặc bị dồn vào một phía.

Hình thức sắp xếp bố cục trong trang trí:

  • Hình thức nhắc lại: Là hình thức sử dụng một họa tiết nhỏ lặp đi lặp lại theo theo một nhịp điệu tạo ra sự thăng bằng cho bức tranh.
  • Hình thức xen kẽ: Giống như tên gọi là việc sự dụng các họa tiết khác nhau đan xen, xen lẫn vào nhau. Tạo sự phong phú, sáng tạo cho bức tranh.
  • Hình thức đối xứng: Là việc sử dụng các họa tiết, màu giống nhau vẽ đối xứng nhau qua một trục cố định hoặc nhiều trục.

Yêu cầu trong sắp xếp bố cục trong trang trí

Phân bố hình mảng phải cân đối làm nổi bật lên điểm cần nói thể hiện đúng chủ đề, ý đồ của bức tranh. Ngoài ra cần có sự đa dạng về kích thước và hình thể của mảng. Đặc biệt chú ý đến các mảng trống.

Đường nét, họa tiết chính là yếu tố cốt lõi của các họa tiết vì vậy cần chú ý đến cách vẽ đường nét sao cho uyển chuyển. Kết hợp hài hòa giữa các mảng, chú ý kết hợp các nét thanh và nét đậm.

Phân bố đậm nhạt: sử dụng tương phản của các độ đậm nhạt (chì, màu sắc…) để làm nổi phần chính, chi tiết chính và dìm đi chi tiết phụ không cần thiết, họa tiết có chổ ẩn, chỗ hiện cho đẹp mắt. Khi phân bố đậm nhạt nên sử dụng 3 sắc độ : Sáng, trung gian và đậm.

Màu sắc trong trang trí: Màu sắc làm cho sản phẩm trang trí có những sắc thái riêng, đáp ứng nhu cầu tình cảm và sở thích của người sử dụng, hấp dẫn mọi người, mọi lứa tuổi. Yêu cầu đầu tiên của màu sắc trong trang trí là sự hài hòa dù là rực rỡ hay êm dịu. Tiếp sau là có được nhiều hòa sắc để đáp ứng nhiều đối tượng.

Ý nghĩa và tác dụng của việc sắp xếp bố cục trong trang trí

Tầm quan trọng của sắp xếp bố cục trong trang trí
Tầm quan trọng của sắp xếp bố cục trong trang trí

Việc sắp xếp bố cục tranh trang trí một cách linh hoạt có tính sáng tạo, làm cho bức tranh trở nên sinh động hơn trong nội dung tranh. Bố cục không chỉ làm bức tranh đúng nội dung, đẹp về hình thức. Mà nó còn có ý nghĩa to lớn trong đời sống hàng ngày. Việc sắp xếp bố cục giúp các em học sinh hoàn thiện hơn kỹ năng sống. Các em biết quan sát mọi vật xung quanh chọn vị trí sắp đặt hợp lý có ý nghĩa và hình thức đẹp.

Trên đây là những yếu tố cơ bản để bạn có thể xây dựng một bố cục cho một bức tranh hoàn hảo. Hi vọng, sẽ giúp bạn thành công trong kỳ thi sắp đến.

Chúc các bạn thành công…!

 

 

Bài Viết Liên Quan:

Xem Nhanh

Lên đầu trang